Tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai: “Tôi tra 5 cuốn từ điển tiếng Việt, không thấy 2 từ “thu giá”

Thưa Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, về khía cạnh ngôn ngữ học, việc Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra khái niệm “thu giá”, liệu có phù hợp với thực tế hay không
- Tôi có nghe nói hai từ “thu giá”, nhưng cứ nghĩ ai đó nói cho vui, hoặc bịa ra để đùa nhau nên chẳng để ý. Cho tới sáng nay 23.5, một người từ bên Australia nhắn qua facebook cho tôi; kèm theo là hình chụp “Trạm thu giá Bến Lức”, tôi mới… ngớ  người ra, hoá ra nó có thật.
Tôi rất ngạc nhiên là từ “thu giá” này lại do một bộ của nhà nước đặt ra hẳn hoi, chứ không phải là chuyện vui. Vì hình chụp cho thấy nó được treo ở một trạm thu phí giao thông… Tôi nghĩ nó liên quan tới tiền, nhưng hoàn toàn không hiểu nghĩa của nó là gì. Nghĩ mình kém, tôi đã tra 5 quyển từ điển tiếng Việt hiện có trên bàn làm việc của tôi.
Trong đó, có những quyển có uy tín nhất hiện nay của tác giả Hoàng Phê (chủ biên, một bản do Nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 1988, một bản do Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 2000 và một bản do Nhà xuất bản Hồng Đức in năm 2018). Ngoài ra, một quyển từ điển khác của tác giả Nguyễn Như Ý chủ biên, do Nhà xuất bản Giáo dục in năm 2003. Tuy nhiên, tất cả các từ điển trên đều không có 2 từ “thu giá” trong ngôn ngữ tiếng Việt. Trái lại, tại các từ điển, chỉ có 2 từ “thu phí”.
Để cho “chắc ăn”, tôi tra thêm Từ điển Hán - Việt của Lạc Thiện (Trường Đại học Tổng hợp TPHCM xuất bản năm 1991), nhưng tôi cũng không tìm thấy 2 từ “thu giá” này. Thú thật, hiện tôi vẫn... đang bí, không biết giải thích thế nào về 2 từ “thu giá” mới toe này. 



tiến sĩ Hồ Xuân Mai - chuyên gia về ngôn ngữ học, tại Viện Khoa học xã hội miền Nam.
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai - chuyên gia về ngôn ngữ học, tại Viện Khoa học xã hội miền Nam.




Liệu có thể xem “thu giá” là một khái niệm mới do Bộ Giao thông - Vận tải “sáng tạo” cho ngôn ngữ Việt Nam được không?



- Trả “phí” - bất kỳ ai cũng hiểu rằng mình phải trả tiền, khi sử dụng một dịch vụ nào đó (ngoài cái nghĩa của từ “phí tổn”, “chi phí”, “lãng phí” không nằm trong ngữ cảnh này). Còn trả “giá” thì hết sức… mơ hồ. “Giá” chỉ là một từ chung chung,  như “giá cả” chẳng hạn... “Thu phí” là thu một khoản tiền, còn “thu giá” thì không phải thu khoản tiền, mà chỉ có thể thu… giá đỗ xanh, giá đậu phộng hay chỉ giá đỡ…
Ngôn ngữ không phải là yếu tố bất biến. Nó phát triển, thay đổi theo thời gian và không gian. Trong đó, yếu tố không gian-tức trục ngang- có vai trò quyết định, bởi nó tác động rất dữ dội đối với sự phát triển của ngôn ngữ. Trục ngang gồm các yếu tố như văn hóa, tôn giáo, tộc người, địa bàn sinh sống; vay mượn và sự sáng tạo.



... và Trạm thu phí Tân Lập tại dự án BOT đường ĐT 741 ở tỉnh Bình Phước chưa kịp đổi tên. Ảnh: H.H
... Trạm thu phí Tân Lập tại dự án BOT đường ĐT 741 ở tỉnh Bình Phước chưa kịp đổi tên. Ảnh: H.H
Chỉ riêng mặt sáng tạo, chúng ta thấy trong kho tàng từ vựng tiếng Việt có hàng vạn từ. Thí dụ như: khém (mương nhưng nhỏ và cạn hơn), tắc ráng (phương tiện giao thông đường thủy), xẻo (mảnh đất nhỏ, ngập nước hoặc có con lạch chạy ngang qua), vàm (vùng đất trũng, rộng, ngập nước không quá sâu, hoặc nơi những con sông gặp nhau), lung (mảnh đất rộng, ngập nước, ở giữa đồng hoặc trong rừng.
Sự sáng tạo như vậy là bất tận. Tất cả đều dựa trên một điều kiện (tự nhiên hay xã hội) nào đó. Còn “thu giá”, nó có là kết quả của sự sáng tạo hay không? Theo tôi đoán, đây là hai từ gốc Hán. Kết hợp như vậy không gọi là chệch chuẩn ngôn ngữ, lại càng khó chấp nhận đó là kết quả của sự sáng tạo.
Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc phỏng vấn này!
CAO HÙNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHẬT KÝ MÙA HÈ NĂM THỨ 3-2019

Tiến sĩ Hồ Xuân Mai nói không tiếp tay cho “tiến sĩ chép sách”

ĐẠO VĂN HAY "TRÍCH DẪN CHƯA CHUYÊN NGHIỆP"?