Đến với ngôn ngữ văn hóa Nam Bộ
Có khi nào bạn tự hỏi những từ ngữ mà chúng ta thường nghe như: “chèn đét ơi...”, “lãng nhách”, “quậy đục nước”,...có nguồn gốc từ đâu? Tại sao từ ngữ mà người Nam Bộ sử dụng lại mang màu sắc đặc trưng như vậy? Tiến sĩ Ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên qua công trình nghiên cứu về ngôn ngữ văn hóa của người Nam Bộ. Tiến sĩ Hồ Xuân Mai hiện là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Chính sự am hiểu về vùng đất Nam Bộ cộng với tình yêu thương những con người chất phác, hiền lành, thật thà nơi đây đã thôi thúc tác giả viết tác phẩm “Ngôn ngữ văn hóa Nam Bộ”.
Tác phẩm sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát, toàn diện hơn về ngôn ngữ văn hóa của một vùng miệt vườn sông nước rộng lớn. Sách được chia làm ba chương: Chương một đề cập Tự nhiên, xã hội và bản chất người Nam bộ; Chương hai mô tả đặc điểm tiếng Việt Nam Bộ; Chương 3 đi sâu vào nội dung ngôn ngữ văn hóa Nam Bộ. Các chương đều được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu với nhiều luận chứng được trích dẫn cụ thể rõ ràng càng làm tăng thêm giá trị khoa học của quyển sách.
Khi nói tới Nam Bộ, người ta thường hay nghĩ tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn được gọi là Tây Nam Bộ, hay đơn giản chỉ là miền Tây. Vì thế, trong tác phẩm “Ngôn ngữ văn hóa Nam Bộ”, tác giả tập trung đề cấp đến khu vực này.
Điểm nổi bật của quyển sách chính là việc tác giả đã chỉ ra được các cơ sở hình thành những đặc điểm văn hóa cũng như ngôn ngữ của cộng đồng cư dân Tây Nam Bộ. Ngôn ngữ văn hóa Tây Nam Bộ được hình thành từ nhiều yếu tố như: tôn giáo, văn hóa, kinh tế và văn hóa tục người, dân tộc… Trong đó có hai yếu tố là đặc điểm tự nhiên và di cư - cộng cư được xem là quan trọng nhất. Đặc điểm tự nhiên như sông nước nhiều, sinh học đa dạng, đồng bằng mênh mông đã giúp con người Nam Bộ sáng tạo ra từ ngữ mang đặc trưng sông nước Tây Nam Bộ như “quậy đục nước” (dùng ám chỉ hành động làm to chuyện để người khác xấu hổ) câu nói quen thuộc mà ta thường nghe “Ổng bả mà không cưới con nhỏ đó cho nó là nó quậy đục nước liền”; “mất cả chì lẫn chài” (mất tất cả, không còn gì, ví dụ: Mày nổ là đã tính kỹ, bây giờ thì mất cả chì lẫn chài”);“đổ vỏ ốc” (dùng chỉ một việc gì đó mà người khác hưởng lợi mà mình phải gánh chịu kết quả); “mỏ cá chạch” (dùng để ám chỉ người hồ đồ, hỗn láo, thiếu thông minh) ta thường nghe câu nói “Miệng cá trê ngồi lê đôi mách, Mỏ cá chạch lách chách, hồ đồ”.
Đặc điểm di cư - cộng cư đã tạo ra những thuận lợi về mặt xã hội, đã giúp cho cư dân vùng sông nước Tây Nam Bộ sản sinh ra lớp từ riêng và cách nói riêng mang dấu ấn đặc trưng. Nét đặc trưng được thể hiện qua sử dụng từ ngữ như “tới bến” (chỉ sự việc, việc làm đạt tới cùng mới thôi như nhậu tới bến), “xuồng mắc cạn” (bất ngờ gặp phải khó khăn trở ngại), “bữa nay mầy dắt tụi tao đi ăn à nghen!”. Với cách sử dụng từ ngữ như trên cho ta thấy tính chất phác, dễ chịu, thẳng thắn, mạnh mẽ, bộc trực và có phần ngang bướng của người Tây Nam Bộ. Chính vì thế khi giao tiếp với người Nam Bộ, bạn sẽ cảm thấy gần gũi, thân mật, không có khoảng cách.
Cư dân Tây Nam Bộ thường sử dụng từ ngữ để diễn đạt hoặc chỉ một vấn đề nào đó liên quan đến xã hội và sử dụng nó để nêu lên một ý nghĩa, một đúc kết, giá trị về cuộc sống như “cá cắn câu” (bị dụ dỗ hay bị sập bẫy của người khác),“buông dầm cầm chèo” (chỉ người khôn ngoan, biết tự thích ứng). Để giúp bạn hình dung ra được những từ ngữ mang màu sắc đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ nên ở phần phụ lục tác giả cung cấp thêm một số từ ngữ liên quan đến sông nước, cách diễn đạt, và ý nghĩa xã hội.
Theo ThS. Nguyễn Thanh Hùng “Ngôn ngữ văn hóa Nam Bộ sẽ là nguồn tài liệu quý giá cho các bạn nghiên cứu sinh, sinh viên, những nhà khoa học đã và đang nghiên cứu về Nam Bộ, cụ thể là ngôn ngữ và văn hóa của những con người ở vùng Đất phương Nam”. Hy vọng tác phẩm “Ngôn ngữ văn hóa Nam Bộ” giúp bạn tích lũy thêm vốn hiểu biết về ngôn ngữ miền sông nước và ý nghĩa của nó trong đời sống của cư dân Tây Nam Bộ.
Các bạn quan tâm đến nội dung quyển sách có thể tìm đọc tại Thư viện Đại học An Giang (Số phân loại 306.4409597/M103).
Đan Tâm - TV
Nhận xét
Đăng nhận xét